Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 là ngày tri ân, tưởng niệm những người thương binh liệt sĩ đã hy sinh, mất mát qua những cuộc chiến, cũng là ngày để người dân Việt Nam thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây. Qua đó tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người có công với Cách mạng từ trước đến nay.

 

Ảnh minh họa

 

Cách mạng tháng 8-1945 vừa thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu, thực dân Pháp đã trở lại xâm lược đất nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", quân dân ta đã anh dũng chiến đấu, chặn tay bọn xâm lược. Trong những tháng, năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống hoặc đổ máu trên các chiến trường. Theo lời kêu gọi của Đảng, của Chính phủ và Bác Hồ, kế thừa truyền thống "nhân ái, thủy chung" của dân tộc, nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu của mình cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.

Đầu năm 1946 "Hội giúp binh sĩ bị nạn" ra đời ở Thuận Hóa (Huế), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác... Sau đó ít lâu, được đổi thành "Hội giúp binh sĩ bị thương". Ở Trung ương, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam thành lập ngày 27-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự. Chiều ngày 28-5-1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng kêu gọi đồng bào gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương.

Để giúp các chiến sĩ trong mùa đông giá rét, cuộc vận động "Mùa đông binh sĩ" được tổ chức trong cả nước, mở đầu bằng Lễ khai mạc "Xung phong mùa đông binh sĩ" được tổ chức chiều ngày 16-11-1946 tại Nhà hát Lớn Thành phố Hà Nội. Phát biểu trong buổi lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Nước ta được giải phóng là nhờ có xương máu của toàn dân và xương máu của các chiến sĩ đã hy sinh nơi tiền tuyến... ở hậu phương chúng ta có gia đình ấm áp, ở tiền phương các binh sĩ phải chịu rét mướt... Bây giờ, tôi có hai chiếc áo rét. Một chiếc tôi mặc đã mấy năm nay và một chiếc của ủy ban vận động mùa đông binh sĩ vừa may biếu tôi. Cả hai chiếc tôi tặng các binh sĩ ngoài mặt trận". Ủy ban vận động "Mùa đông binh sĩ" có sáng kiến tổ chức bán đấu giá áo của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lấy tiền mua nhiều chiếc áo khác cung cấp cho bộ đội ngoài mặt trận.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19-12-1946, hưởng ứng Lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên. Thương binh, liệt sĩ trở thành vấn đề cần được quan tâm. Trước tình hình đó, cùng với việc tiếp tục kêu gọi giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 20/SL ngày 16-2-1947 chính thức đặt chế độ "Lương hưu thương tật" và "Tiền tuất cho thân nhân tử sĩ". Đây là văn bản pháp quy đầu tiên về chính sách thương binh, liệt sĩ, khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.

Để chỉ đạo công tác này trong cả nước, ngày 26-2-1947, Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục Quân đội Quốc gia Việt Nam được thành lập. Tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày thương binh" để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh. Thực hiện chỉ thị của Người, một Hội nghị trù bị gồm đại biểu của các cơ quan, các ngành ở Trung ương, và một số địa phương đã họp tại một địa điểm ở xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nhất trí chọn ngày 27-7 hàng năm là Ngày thương binh toàn quốc.

Từ tháng 7-1955, “Ngày thương binh” được đổi thành “Ngày thương binh liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thẳng vẻ vang của toàn dân tộc.

Từ năm 1970, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định lấy ngày 1 tháng 12 hàng năm làm Ngày thương binh liệt sĩ. Theo đó ngày 1-12 hàng năm, cùng với việc cử đoàn đại biểu đến tặng quà thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều có thư động viên, thăm hỏi và nhắc nhở quân dân các địa phương quan tâm, săn sóc, giúp đỡ thương binh.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo chỉ thị 223/CT-TW ngày 8-7-1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng từ năm 1975, ngày 27-7 hàng năm chính thức trở thành "Ngày thương binh liệt sĩ" của cả nước.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, với các tên gọi "Thương binh toàn quốc", "Ngày thương binh liệt sĩ" và được tổ chức trong những hoàn cảnh khác nhau (chiến tranh, hòa bình ở nửa đất nước, đất nước thống nhất, cả nước tiến hành công cuộc đổi mới), đúng với mục tiêu đề ra ban đầu, mỗi năm đến Ngày thương binh liệt sĩ 27-7, trên khắp đất nước, nhiều việc làm thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, thể hiện truyền thống "hiếu nghĩa bác ái", lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những người đã vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do và cuộc sống bình yên của nhân dân mà hy sinh, cống hiến.

(Nguồn: sưu tầm)